Châu Thành nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, hướng đến phát triển mang tính an toàn (Lượt xem: 8672)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 22/06/2021

Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Châu Thành đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực Kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Châu Thành nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, hướng đến phát triển mang tính an toàn
Các HTX áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để phát triển sản xuất. 

      Được thành lập vào năm 2016, với hơn 60 thành viên, diện tích canh tác gần 300 ha, những năm qua HTX Phước An, xã Phú Tân đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động khi liên kết nông dân lại với nhau để sản xuất đồng loạt, sử dụng giống lúa chất lượng cũng như bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên để HTX nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, hướng đến sản xuất mang tính bền vững thì những năm qua, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, huyện Châu Thành đã đầu tư xây dựng nhà Kho với diện tích 3.000m2, đường điện 3 pha, đường giao thông rộng 3,5m, dài gần 1.500m cho HTX, đáp ứng như cầu vận chuyển lúa và vật tư nông nghiệp. Vừa qua, huyện đã chọn HTX Phước An để triển khai thí điểm mô hình cánh đồng thông minh, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, tiết kiệm được sức lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau thu hoạch, ngoài liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, HTX cũng đã đối ứng 50% vốn từ chính sách hỗ trợ để đầu tư lò sấy, máy tách hạt, thực hiện các dịch vụ cung ứng giống chất lượng cho bà con, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. “Chúng tôi có kế hoạch sản xuất trong từng thời vụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như xuống giống bằng máy, cắt lúa bằng máy, giúp việc sản xuất thuận tiện hơn. HTX cũng chủ động đầu ra nôngh sản cho bà con nông dân, chuẩn bị kho sấy để dự trữ nếu trường hợp lúa mất giá. Từ lúc tham gia HTX, các thành viên ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng gạo, nhờ đó lúa bán được giá, cải thiện kinh tế đáng kể”, ông Kim Xái Huil, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Phước An, cho biết. 

Ông Kim Xái Huil, Chủ tịch HĐQT HTX Phước An, huyện Châu Thành.

     Tính đến cuối năm 2020, huyện Châu Thành có 19 HTX, 88 THT đa số đều hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, với quy mô nhỏ, năng lực quản lý, điều hành của một số HTX, THT chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, những năm qua, Châu Thành đã tập trung triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, tập trung vào việc đào tào, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là cho đội ngũ quản lý, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong đó, vùng Dự án VnSAT được hỗ trợ xây dựng nhà kho, cầu, đường và máy thiết bị phục vụ sản xuất tại các xã Hồ Đắc Kiện, Phú Tân và Phú Tâm với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hận, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho rằng: “Thông qua những chương trình, dự án cũng như những chính sách hỗ trợ, các HTX, THT hoạt động có hiệu quả đáng kể trong thời gian gần đây. Năng lực quản lý, điều hành của các HTX, THT cũng nâng lên đáng kể, qua đó tạo được niềm tin cho các hội viên tham gia, thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia hoạt động kinh tế tập thể”.

  Ông Nguyễn Văn Hận, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. 

   Với mục tiêu phát triển bền vững theo hướng an toàn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và lợi nhuận cho nông dân, hiện tại, Châu Thành đã triển khai xây dựng các cánh đồng sản xuất lúa an toàn tại 9 điểm cho 9 THT, HTX với diện tích trên 400 ha, có gần 300 hộ tham gia, kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Cụ thể, mô hình sẽ cung ứng giống, phân hữu cơ (chủ yếu là nấm xanh), thực hiện quy trình sạ thưa, giảm chi phí đầu tư khoảng 30% so với cách làm truyền thống và sẽ được bao tiêu với giá bằng đến cao hơn giá thị trường. Hiện mô hình đang được mở rộng tại một số xã trên địa bàn huyện. Ông Ninh Văn Quảng, Giám đốc HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, cho biết: “Bà con dùng giống lúa xác nhận trong sản xuất, tiến hành sạ thưa, ưu tiên dùng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm kiếm các đối tác, các thương lái từ các tỉnh khác về thu mua lúa với giá cao, tập trung, tránh được tình trạng xuất bán nhỏ, lẻ như trước đây”.

Ông Ninh Văn Quảng, Giám đốc HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành. 

       Xây dựng và phát triển mô hình Kinh tế tập thể nhanh và bền vững theo hướng liên kết, thúc đẩy cải thiện đời sống các thành viên là mục tiêu được Châu Thành hướng đến, nhằm nâng cao vai trò, vị trí của khu vực Kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành trong thời gian tới./.

Ánh Phúc - Văn Dô - Sa Phép


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online